QUẢN CƠ TRẦN VĂN THÀNH VÀ CUỘC KHAI HOANG TẠI VÙNG ĐẤT LÁNG LINH NAY LÀ XÃ THẠNH MỸ TÂY HUYỆN CHÂU PHÚ TỈNH AN GIANG
Quản Cơ Trần Văn Thành sinh khoảng năm 1818 trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú, làng Bình Thạnh Đông, tổng An Lương, quận Châu Phú Hạ, tỉnh Châu Đốc (nay là xã Phú Bình, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Sinh thời, ông là vóc người to lớn, khỏe mạnh, gương mặt nghiêm nghị khi nhìn thấy phải kính trọng và ngưỡng mộ, hăng hái hoạt động và rất thông minh.
vào khoảng năm 1840, Trần Văn Thành đã gia nhập vào quân đội nhà Nguyễn. Nhờ có khả năng quân sự, ngay từ khi mới nhập ngũ Trần VănThành đã được phong suất đội chỉ huy 50 người, từng đóng quân ở Chân Lạp (Campuchia ngày nay). Lúc này, Nặc Ông Đôn, em vua Cao Miên, nhờ cậy quân Xiêm La giúp sức, đã khởi quân của Trần Văn Thành đánh nhau với giặc hơn 30 trận quanh vùng Thất Sơn. Tiêu biểu nhất là trận Láng Cháy, Trần Văn Thành đã khéo léo dùng tình thân hữu lân bang thu phục được hai tướng Chân Lạp là Thạch Vôi và Ácha Xoa (Thạch Bướm), phá vỡ âm mưu chia rẽ Việt-Chân Lạp của Xiêm. Năm 1845, trong một trận chiến đấu quyết liệt với Xiêm, khi các tướng lĩnh của triều đình nhà Nguyễn như Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Công Nhàn, Phạm Văn Điển, Nguyễn Văn Nhân, phối hợp với binh lực của An Giang, trong đó có đội quân do Trần Văn Thành chỉ huy đã đánh cho quân Xiêm đại bại. Sau trận này, Trần Văn Thành được thăng từ chức đội lên Chánh quản cơ, điều khiển hơn 500 binh sĩ, đóng quân ở Châu Đốc để canh phòng người Chân Lạp hay sang cướp phá, giữ gìn biên giới phía Tây Nam. Ông đã dày công bình định xứ sở, đem lại an ninh cho nhân dân.
Năm 1846, Nặc Ông Đôn quy phục nhà Nguyễn. Cuối năm Đinh Mùi (1847), xét thấy tình hình biên giới Tây Nam đã ổn định, thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông”; triều đình cho giải ngũ một số binh sĩ, trong đó có cơ biền của Trần Văn Thành. Trước khi về lại quê nhà, ông được ban thưởng nhiều phẩm vật cùng một tờ chiếu khen là “Quản cơ tinh binh”. Sau đó, ông cùng gia đình đến cư ngụ tại khu vực chùa Huê Viên (còn gọi là chùa Vườn Bông, nay thuộc xã Phú Bình, huyện Phú Tân).
Năm 1849, Trần Văn Thành gia nhập giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương do Đoàn Minh Huyên (Phật Thầy Tây An) sáng lập năm 1849. Từ 1851, khi Đoàn Minh Huyên bị bắt buộc phải đến tu tại Chùa Tây An (Châu Đốc); nghe lời thầy, ông mang theo vợ con rời Cồn Nhỏ (Bình Thạnh Đông) đến vùng Nhà Bàng sau này, rồi đến Láng Linh (Châu Phú) lập trại ruộng để lo việc khẩn hoang.
Năm 1862, giặc Pháp sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông, lăm le chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Vua Tự Đức liền ra lời kêu gọi các sĩ dân nơi đây cùng hợp tác chống ngăn quân xâm lược. Hưởng ứng lệnh vua, Trần Văn Thành trở lại đội ngũ. Ông lập căn cứ ở vùng Láng Linh (xưa thuộc phủ Tân Thành, huyện Vĩnh An) nay là huyện Châu Phú, tỉnh An Giang chống Pháp. Địa bàn hoạt động của ông kéo dài từ cánh đồng Láng Linh đến khu rừng Bảy Thưa (giữa Long Xuyên, Châu Đốc), bản doanh đặt tại trung tâm rừng Bảy Thưa với danh hiệu là Hưng Trung Doanh.
* Lãnh đạo các tín đồ phái Bửu Sơn Kỳ Hương khai phá vùng đất Láng Linh
Khi Đoàn Minh Huyên sáng lập ra giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương; vùng đất biên giới An Giang, dân chúng còn đói nghèo, đất bỏ hoang thì nhiều. Vấn đề làm cho đất nước trở nên cường thịnh lúc này ở Nam Bộ nói chung, An Giang nói riêng không có gì thiết thực hơn là bắt tay vào khai khẩn đất hoang, chinh phục đầm lầy đầy muỗi, đỉa; tiến hành mở ấp, lập làng.
Nhận thấy được yêu cầu trên, Phật Thầy Tây An, Đoàn Minh Huyên đã ra sức khuyến khích các tín đồ của mình vốn có nhiều người giỏi về võ thuật, y thuật, có khả năng thích ứng tốt với những lam sơn chướng khí, cọp sấu hoàn hành; dẫn dắt dân chúng khai hoang trồng lúa, dựng ấp lập làng để tạo cơ sở đời sống cho tín đồ và để phát triển giáo phái ngày một đông đảo. Từ năm 1851, Đoàn Minh Huyên đã chia tín đồ thành nhiều nhóm đi khẩn hoang ở nhiều nơi.
Nhóm thứ nhất đi vào Thất Sơn vùng chân núi Két. Nhóm này chia làm hai. Một do cụ Bùi Văn Thân, tức tăng chủ Bùi Thiền Sư hướng dẫn, một do cụ Bùi Văn Tây tức Đình Tây chỉ huy. Từ đó các nông trại Hưng Thới và Xuân Sơn được dựng lên.
Nhóm thứ hai do Trần Văn Thành chỉ huy đến vùng Láng Linh thuộc huyện Vĩnh An, phủ Tân Thành (An Giang). Đó là một cánh đồng hoang vu lau sậy mọc dày đặc, các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tới đây vừa đi tu vừa khẩn hoang.
Nhóm thứ ba do cụ Đặng Văn Ngoạn khẩn hoang vùng Cẩn Lố thuộc Đồng Tháp Mười ngày nay.
Nhóm thứ tư do cụ Nguyễn Văn Xuyên chỉ huy, về vùng đất Cái Dầu, sát hữu ngạn Hậu Giang, nơi đây đất đai phù sa màu mỡ nhưng lúc đó chưa được khai thác hết. Tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương tới đây lập làng và khai khẩn tại đây.
Như vậy, Trần Văn Thành trở thành người đứng đầu một nhóm tín đồ đến khai phá vùng đất Láng Linh. Láng Linh là một vùng đất nằm trong vùng Thất Sơn Châu Đốc thuộc tỉnh An Giang. Nó có những yếu tố địa hình tương đối phức tạp: “Bắc gần giáp với núi Sam, Đông cặp theo bờ sông Hậu Giang, Tây dựa vào địa thế Thất Sơn và Nam nối liền với rừng Bảy Thưa”. Đó thực là một nơi quan yếu ở miền Tây, một vị trí án ngữ vùng biên giới quan trọng với Campuchia. Tuy nhiên, cho đến trước khi Trần Văn Thành đưa lực lượng đến đây khẩn hoang thì cả vùng này hầu như còn là đầm lầy, rừng rậm hoang vu. Điều đó đã làm chậm bước chân của người Việt đến đây. Do đó, việc quy tụ lập ấp lúc bấy giờ rất khó vì dân Việt thưa thớt; ở vùng phía Nam gần Cần Thơ và gần Vĩnh Long còn nhiều đất tốt chưa khai khẩn hết, đi làm ăn tận biên giới Châu Đốc là chuyện phiêu lưu
Thêm vào đó, Láng Linh lúc bấy giờ là một cánh đồng bao la, bát ngát, không một kinh rạch thông vào, lau sậy mọc tràn lan dày bịt, có nhiều chỗ sình lầy nước đọng mênh mông, lại có lắm thú to, rắn độc. Do đó thường không ai bén mảng tới.
Trong bối cảnh đó, hoạt động của Trần Văn Thành cũng như tất cả các nhóm khai hoang khác trong phái Bửu Sơn Kỳ Hương tuy trước hết bắt nguồn từ niềm tin tôn giáo theo giáo lý Tứ Ân mà Đoàn Minh Huyên khởi xướng; theo đó “Phải nâng đỡ nước lúc nghiêng nghèo, làm cho nước trở nên cường thịnh” nhưng đã có một tác dụng không nhỏ trong việc cải tạo Láng Linh thành một nơi trù phú để nuôi sống người dân trong vùng. Lực lượng tham gia khẩn hoang vùng đất Láng Linh là sự tập hợp của nhiều thành phần khác nhau như nhà nghiên cứu Huỳnh Lứa đã chỉ ra: “Những tập thể nhỏ gồm mấy gia đình có quan hệ họ hàng thân thuộc với nhau, hoặc gồm một số người cùng quê hương xứ sở hay cùng một đoàn thể đạo giáo”.
Công cuộc khẩn hoang của Quản cơ Trần Văn Thành trên vùng đất Láng Linh diễn ra trong bối cảnh nhà Nguyễn đẩy mạnh công cuộc khẩn hoang ở vùng đất phía Nam mà An Giang là một trong những trọng điểm bởi: “Nhà Nguyễn đã không có một giải pháp mới mẻ nào hơn là tìm cách tăng diện tích canh tác, hòng làm cho xã hội đủ ăn và có thóc thừa. Do vậy nhà Nguyễn rất chú trọng đến vấn đề khẩn hoang, đặc biệt là khẩn hoang ở Nam Bộ, nơi còn có nhiều tiềm năng khai thác nhất”. Hơn thế nữa, vùng đất An Giang nằm dọc theo đường biên giới Tây Nam của đất nước, án ngữ vị trí nằm trên đường tiến quân của ngoại bang, nhất là quân Xiêm khi chúng tiến sang gây hấn với nước ta như lời tâu của Nguyễn Công Trứ: “Bấy giờ từ An Giang đến Trấn Tây, từ An Giang đến Hà Tiên, quân giặc đóng đồn cả”. Bởi vậy, dân cư sinh sống ở nơi đây còn rất khá thưa thớt bởi sự bất ổn của nó. Cho nên, trong tình hình như thế, hoạt động mộ dân tiến hành khai hoang lập ấp trên vùng đất này không những chỉ có tác dụng tạo lập cơ sở cho việc khai phá đất đai dọc biên giới của tổ quốc: “Nay nên dựng kho chứa thóc ở địa hạt tỉnh ấy (An Giang)…rồi nhân đó chiêu tập dân phiêu bạt, xây dựng thôn ấp. Đây chính là điểm mấu chốt nhất cho việc chỉnh đốn công việc ngoài biên giới ngày nay”. Đó chính là một “thượng sách” cho việc khai phá tiềm năng và giữ vững ổn định cho vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc: “Nay mượn điều chiêu mộ để dụ dân về, đôn đốc việc khai khẩn, nuôi dân ăn, thật là một cách quan yếu để giữ giặc và yêu dân”.
Phải đặt trong bối cảnh như trên thì mới có thể thấy hết được vai trò và ý nghĩa của công cuộc khẩn hoang vùng đất Láng Linh mà Quản cơ Trần Văn Thành là người tổ chức thực hiện. Dù rằng khởi nguồn của nó có thể xuất phát từ lý do tôn giáo nhưng xét về tổng thể thì nó lại nằm trong chiến lược khai phá và củng cố miền đất biên giới phía Tây Nam đất nước của triều đình nhà Nguyễn. Do đó, tuy Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương không được quan lại địa phương ưa thích nhưng không thấy có tài liệu nào nói đến việc ngăn cản hoạt động khẩn hoang của họ từ phía triều đình. Điều đó chứng tỏ việc khẩn hoang vùng đất biên giới là công tác rất được triều đình khuyến khích.
Trên một vùng đất còn đầy rẫy lam sơn chướng khí; hổ beo trên bờ, cá sấu dưới sông thay phiên nhau rình rập; công cuộc khẩn hoang của những lớp người Việt đầu tiên trên vùng đất này gặp rất nhiều những gian khó và hiểm nguy.
Láng Linh là một vùng đất thấp nhiều phèn, chất đất ẩm thấp, ít màu; vào mùa nước nổi (từ khoảng tháng 8 cho đến cuối tháng 10 âm lịch), cả vùng biến thành một biển nước mênh mông; còn vào mùa khô, nước không cạn hẳn mà biến thành những ao đìa, mương rạch, những đầm lầy với vô số đỉa vắt cùng lau sậy, cỏ dại thi nhau mọc chen chúc. Điều kiện tự nhiên trên đã gây ra rất nhiều những khó khăn cho công tác khai phá vùng đất này.
Những lớp người Việt đầu tiên đến khai phá Láng Linh thường chọn những khu đất cao ráo, tương đối thuận lợi cho canh tác và có đủ lượng nước ngọt cung cấp cho người, gia súc, cây trồng để khai phá trước. Những khu đất này lúc đầu thường nằm lọt thỏm giữa cả một vùng rộng lớn chưa được khai phá. Sau đó họ tiếp tục lấn dần vào vùng đất hoang xung quanh, mở rộng diện tích cày cấy. Nhiều vị trí như vậy sẽ tạo nên một khu vực nào đó, cư dân sẽ đến sinh sống và mỗi chỗ như thế sẽ từng bước được mở rộng ra cho đến một lúc chúng được nối liền với nhau thành một cánh đồng liền khoảnh. Cách thức khai phá này được người xưa gọi là “móc lõm” như miêu tả của Brière: “Dân chúng chỉ chọn một lõm đất trống giữa rừng, nhà cất cho có chừng giữa những gốc cây mới đốn còn nhô lên lởm chởm”. Theo cách đó, những khu rừng rậm rạp, những miền đất ao chàm, lùng lác vô danh của vùng đất Láng Linh đã từng bước được các tín đồ của Phật giáo Bửu Sơn Kỳ Hương chinh phục. Hình thức móc lõm là một hình thức khai hoang tuy hiệu quả không cao nhưng được sử dụng nhiều nhất. Đó cũng chính là một sự sáng tạo độc đáo của các lớp cư dân người Việt trong quá trình khẩn hoang ở Láng Linh vì nó phù hợp với điều kiện địa lý, thiên nhiên và tiềm lực của những lớp người khi mới đến khai phá vùng đất này.
Đồng đất Láng Linh không thể tiến hành cày bừa bởi nếu cày thì đất phèn phía dưới sẽ trồi lên làm hư lúa. Do vậy, muốn làm ruộng ở nơi đây thì chỉ có cách là chờ mưa xuống, nước ngập lên khoảng ba tấc thì cho phát cỏ, tiến hành sạ hạt và chờ cho đến lúc lúa chín thì thu hoạch như mô tả của Trịnh Hoài Đức trong tác phẩm Gia Định thành thông chí: “Loại ruộng này đầy lác, bùn sình, mùa nắng khô thì nứt nẻ như lằn vân mu rùa, có chỗ thành kẽ nứt sâu to, đợi có nước mưa ngấm đầy, thấm đủ, bùn đất tan rã mới canh tác được”. Chỉ vì điều kiện tự nhiên đặc thù như vậy mà mỗi năm chỉ có thể tiến hành sản xuất được một vụ lúa vào mùa nước nổi theo lịch thời vụ sau: “Thời tiết làm ruộng rất muộn; tháng 6, tháng 7 thì gieo mạ; tháng 11 tháng 12 mới cấy và thu hoạch vào tháng 2 năm sau”. Còn khoảng thời gian còn lại trong năm thì người dân nơi đây: “Tháng 4 đi bắt ốc gạo, tháng 7 đi lấy tổ ong, tháng 10 đi vớt tôm xanh, đều là nhằm vào kỳ các vật ấy mới sinh sản”.
Cuộc sống người dân nơi đây sau những khởi đầu khốn khó đã từng bước bắt đầu dư giả về lúa gạo, nhà cửa bắt đầu được dựng lên đông đúc. Trong sự thành quả chung đó, Quản cơ Trần Văn Thành đóng một vai trò to lớn với tư cách là người lãnh đạo công cuộc khai phá vùng đất Láng Linh, góp phần hình thành nên một miền đất An Giang trù phú, một vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất nước ta hiện nay.