Skip to main content

Giới thiệu chung

Quá trình hình thành vùng đất Thạnh Mỹ Tây

Những năm 1757 - 1779, vùng đất Thạnh Mỹ Tây thuộc đạo Châu Đốc của dinh Long Hồ, lúc này vùng đất có tên là Láng Linh – Bảy Thưa còn hoang vu, ngập nước quanh năm, rừng rậm, cây Bảy Thưa, cây tràm, cỏ dại mọc um tùm, nhiều thú dữ, thiên nhiên khắc nghiệt, lưu dân người Việt ở thưa thớt.
Từ năm 1851, theo chính sách khai hoang, lập làng của triều đình nhà Nguyễn và theo hướng dẫn của cụ Đoàn Minh Huyên mà người đời thường gọi là Đức Phật Thầy Tây An. Ông Quản cơ Trần Văn Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Thạnh đã quy tụ một nhóm người vào vùng đất Láng Linh – Bảy Thưa dựng trại ruộng Bửu Hương Các để khai khẩn đất hoang, lập làng. Lúc này, vùng đất Láng Linh – Bảy Thưa thuộc huyện Tây Xuyên, phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang.
Trong thời gian này, ông Lê Văn Thạch (đạo Thạch) và ông đạo Mầm vâng lệnh của Đức Phật Thầy Tây An về địa điểm tại đình thần Bình An - Thạnh Lợi ngày nay, dựng một cái am lợp bằng tranh để tu hành và tập hợp dân cư khai hoang lập làng. Ông Thạch được sự giúp đỡ của các ông Nguyễn Văn Giàu, Phan Văn Thành, Phạm Văn Công, Trần Văn Túc, Hà Văn Đăng và Hà Văn Dân, là binh sĩ triều vua Minh Mạng, được xuất ngũ an cư tại ngọn Cái Dầu. Thuở ấy, vùng đất này là nơi hoang vu liên cận với thôn Vĩnh Thạnh Trung và thôn Mỹ Đức. Các ông cùng sáu người nông dân đứng đơn đến chủ tỉnh An Giang xin thành lập làng Thạnh Đức và được chủ tỉnh An Giang chấp thuận cắt đất phân ranh.
Năm 1852, Quản cơ Trần Văn Thành cùng hương chức làng cải hiệu cho làng mình. Chiết chữ “Thạnh” của làng Vĩnh Thạnh Trung, chiết chữ “Mỹ” của làng Mỹ Đức và ghép thêm chữ “Tây” vì làng nằm ở hướng Tây nên gọi là làng Thạnh Mỹ Tây (phía bên kia sông Hậu cũng có tên làng Bình Thạnh Đông thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang) cho đến ngày nay. Quản cơ Trần Văn Thành còn đề nghị với hương chức làng đào một con kinh vào trại ruộng Bửu Hương Các để khai hoang, mở mang đồn điền làm ruộng, nhờ làng xã và nhân dân đồng tâm hiệp lực nên trong năm đã đào xong con kinh. Trên bờ kinh, bà Nguyễn Thị Thạnh, vợ ông Thành và nhân dân trồng dâu để nuôi tằm, dệt lụa nên có tên là kinh Bờ Dâu. Ngày nay có người gọi kinh Cũ, có người gọi rạch cây Gáo.
Sau cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa (1873) chống lại thực dân Pháp xâm lược, Quản cơ Trần Văn Thành đã anh dũng hy sinh. Để tưởng nhớ công lao của ông, người có công khai hoang lập làng, chống giặc ngoại xâm. Tại nền am của ông đạo Thạch nhân dân nơi đây đã dựng miếu để thờ Quản cơ Trần Văn Thành. Mặc dù bị thực dân pháp và tay sai nhiều lần ngăn cản, đốt phá nhưng nhân dân nơi đây vẫn kiên quyết trùng tu sửa chữa và mở rộng cho đến hôm nay.


LỜI GIỚI THIỆU CHUNG VỀ XÃ THẠNH MỸ TÂY


Xã Thạnh Mỹ Tây là xã có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp đặc biệt là sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái,... theo niên giám thống kê năm 2021 xã Thạnh Mỹ Tây với tổng diện tích tự nhiên 4.149 ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp 3.167 ha, gồm có 03 tiểu vùng sản xuất 2 vụ/năm với diện tích 430 ha và 06 tiểu vùng sản xuất 3 vụ/năm với diện tích 2.737 ha.
Vị trí địa lý của xã có phía Đông giáp thị trấn Vĩnh Thạnh Trung, phía Tây giáp xã Đào Hữu Cảnh, phía Nam giáp xã Bình Phú, phía Bắc giáp xã Ô Long Vĩ. Thạnh Mỹ Tây có vị trí thuận lợi nằm trên tuyến ĐT.945 hệ thống giao thông được nâng cấp nhựa hóa, bê tông, có đường tỉnh 945 mới đi ngang qua và hệ thống sông, ngòi, kênh, rạch đảm bảo cung cấp nguồn nước ngọt phong phú phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt, giao thông thủy thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển, giao thương hàng hóa của người dân, lượng phù sa hàng năm bồi đắp làm cho đất đai màu mở, tươi tốt.
Xã có 08 ấp, gồm: Thạnh Hòa, Mỹ Bình, Tây An, Bờ Dâu, Long Châu, Ba Xưa, Cầu Dây và Thạnh Phú. Toàn xã có 29.508 nhân khẩu, Thành phần dân cư gồm dân tộc Kinh chiếm 99,98%, dân tộc Khmer chiếm 0,02%. 
Thạnh Mỹ Tây Xã đã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới theo Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 01/03/2023 của UBND tỉnh An Giang về việc công nhận xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú đạt chuẩn “xã nông thôn mới” năm 2022.
Trên địa bàn xã có 01 Trung tâm thương mại Chợ Long Châu; 01 Trạm y tế xã; 07 Trường học (Mầm non Thạnh Mỹ Tây, Mẫu giáo Thạnh Mỹ Tây, Tiểu học A Thạnh Mỹ Tây, Tiểu học B Thạnh Mỹ Tây, Tiểu học C Thạnh Mỹ Tây, THCS Thạnh Mỹ Tây và THPT Thạnh Mỹ Tây). Hiện tại, Đảng bộ có tổng số 17 Chi bộ trực thuộc, trong đó có 08 chi bộ ấp, 06 chi bộ trường, 03 chi bộ ngành với tổng số 340 Đảng viên.
Xã có 02 tuyến dân cư là tuyến dân cư kênh 7 – kênh 9 thuộc ấp Thạnh Hòa – Mỹ Bình, khu dân cư kênh 11 ấp Bờ Dâu, người dân sinh sống chủ yếu tập trung ở các cụm dân cư và dọc theo các tuyến kênh.
Xã có 03 Hợp tác xã và 03 Tổ hợp tác gồm Hợp tác xã Nông Nghiệp Bờ Dâu; Hợp tác xã Nông nghiệp Hưng Điền; Hợp tác xã Thương mại dịch vụ - nông nghiệp nuôi lươn vietGAP; Tổ hợp tác Thạnh Hòa; Tổ hợp tác Bích Vân; Tổ hợp tác Long Châu.
Trên địa bàn xã có Đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành là di tích cấp Quốc gia, hàng năm từ ngày 19/02 đến ngày 22/02 âm lịch UBND xã Thạnh Mỹ Tây phối hợp cùng với UBND huyện tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống kỷ niệm ngày Quản cơ Trần Văn Thành chống thực dân Pháp hy sinh và Cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí và nay đã được nâng lên thành Lễ hội cấp tỉnh