Bài tuyên truyền về tên của Cổng Trại ruộng Bửu Hương Cát
Di tích Bửu Hương Các là công trình xây dựng gắn liền với công cuộc khai hoang, lập làng và chống giặc ngoại xâm do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo.
Theo nguồn sử liệu, ông Đoàn Minh Huyên được dân gian tôn kính gọi là Phật Thầy Tây An. Bởi ông là người yêu nước, có tầm nhìn xa, một tu sĩ sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, có tài trị bệnh, một nhà dinh điền, có công rất lớn trong công cuộc vận động, hướng dẫn Nhân dân khai hoang, lập làng.
Từ năm 1851, Phật Thầy Tây An đã cử một số đệ tử, hướng dẫn từng nhóm tín đồ, đi nhiều hướng, đến nhiều vùng đất xa xôi hẻo lánh để lập trại ruộng khai hoang, lập làng. Một trong những đại đệ tử của Phật Thầy Tây An là Quản cơ Trần Văn Thành đã tuân lệnh Phật Thầy Tây An, quy tụ một nhóm tín đồ vào vùng đất Láng Linh, nơi tiếp giáp với rừng Bãi Thưa, được xem là vùng nê địa, mùa nước thì mênh mông như biển. Tại đây, Phật Thầy Tây An đã định vị xây dựng trại ruộng Bửu Hương Các và giao cho ông Quản cơ Trần Văn Thành và vợ là bà Nguyễn Thị Thạnh cư ngụ, làm chỗ dựa tinh thần để quy tụ, hướng dẫn những người dân và tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương về đây khai mở đất hoang, thành lập thôn xóm.
Ban đầu, Bửu Hương Các được làm bằng vật liệu đơn sơ, bộ khung cột kèo bằng gỗ, mái lợp bằng lá tranh, vách dừng bằng cây đưng, cây lát là loại cây cỏ có sẵn mọc hoang khắp nơi.
Năm 1873, cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa do Quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo thất bại, thực dân pháp đã đàn áp dã man những người tham gia kháng chiến và thiêu đốt những căn cứ kháng chiến, trong đó có Bửu Hương Các. Nhưng sau đó, người dân đã dựng lại Bửu Hương Các.
Năm 1893, trải qua một thời gian dài khoảng 20 năm, kể từ ngày Quản cơ Thành thất thủ. Ông Trần Văn Nhu (con trai trưởng của Quản cơ Trần Văn Thành) và mẹ là bà Nguyễn Thị Thạnh trở về Láng Linh xây dựng lại trại ruộng Bửu Hương Các khang trang hơn.
Năm 1938, ông Nguyễn Văn Tịnh (quê ở Bình Thủy, Cần Thơ), đã đứng ra vận động nhân dân xây dựng lại Bửu Hương Các và xây dựng thêm cổng Bửu Hương Các bằng chất liệu bê tông và đặt tên là “trại ruộng Bửu Hương Các”.
Năm 1952, Nhân dân cùng tín đồ đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đóng góp công sức, tiền để tu sửa lại Bửu Hương Các; cổng trại ruộng Bửu Hương Các bằng vật liệu kiên cố hơn. Đồng thời, đổi tên cổng trại ruộng “Bửu Hương Các” thành tên “trại ruộng Phật Thầy Tây An”.
Năm 2004, Nhân dân đã trùng tu lại “Bửu Hương Các” và di dời cổng trại ruộng Phật Thầy Tây An vào phía trong để mở rộng giao thông đường Tỉnh 945 cũ. Lần trùng tu này, nhân dân cũng đã đổi tên cổng từ tên trại ruộng Phật Thầy Tây An thành tên “trại ruộng bà Cố quản Nguyễn Thị Thạnh”.
Năm 2021, sơn lại công trình Bửu Hương Các và cổng “trại ruộng bà Cố quản Nguyễn Thị Thạnh”.
Hiện tại “Bửu Hương Các” tọa lạc tại ấp Bờ Dâu, xã Thạnh Mỹ Tây, huyện Châu Phú, tỉnh An giang, đang được bảo tàng tỉnh An Giang bổ sung các hồ sơ, thủ tục đề nghị xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh.
Hiện nay Bảo tàng tỉnh An Giang đề xuất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xếp hạng di tích Bửu Hương Các là di tích lịch sử cấp tỉnh. Việc xếp hạng di tích Bửu Hương Các là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của di tích ở hiện tại và tương lai.
Qua trao đổi thống nhất ý kiến với các cụ cao niên lớn tuổi nhằm bảo tồn những giá trị lịch sử và để đảm bảo công nhận “Bửu Hương Các” là di tích lịch sử cấp Tỉnh thì tên cổng phải sửa lại theo lịch sử hình thành.
Nay UBND xã Thạnh Mỹ Tây thông tin đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các cụ cao niên lớn tuổi, Nhân dân trong và ngoài xã được biết nhằm tạo sự đồng thuận trong việc sửa lại tên cổng của di tích “Bửu Hương Các”.